Doanh nghiệp vay vốn cá nhân qua hình thức nào? Tiền mặt hay chuyển khoản

15/10/2016 04:58

1. Hình thức vay vốn cá nhân của doanh nghiệp

    Theo Nghị Định 222/2013/NĐ-CP tại Điều 6, Khoản 2 quy định về giao dịch tài chính của doanh nghiệp như sau:

“2. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.”

    Thông tư 09/2015/TT-BTC tại Điều 4, Khoản 1 quy định hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng

“1. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng (là các doanh nghiệp không thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng) khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau sử dụng các hình thức thanh toán được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.”

Căn cứ vào quy định trên có 2 trường hợp sau xảy ra:

– Nếu Doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác vay và trả nợ vay thì không được dùng tiền mặt mà phải sử dụng các hình thức thanh toán như sau:

       + Thanh toán bằng Séc;

       + Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;

       + Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

– Nếu Doanh nghiệp vay vốn cá nhân không cần phải chuyển khoản tiền cho vay và trả nợ. Cá nhân có thể cho doanh nghiệp vay bằng tiền mặt và doanh nghiệp khi trả nợ cho cá nhân có thể dùng tiền mặt để trả nợ.

2. Chi phí lãi vay vốn cá nhân 

a) Cách tính chi phí lãi vay vào chi phí được trừ

    Đối với khoản chi phí lãi vay cá nhân cần phải xác định chi phí được tính vào chi phí được trừ theo quy định tại Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6, Thông tư 78/2014/TT-BTC như sau:

“2.17. Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.”

    Chi phí lãi vay cá nhân không được tính vào chi phí được trừ nếu vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.

Ví dụ:

   Doanh nghiệp đi vay cá nhân là 200 triệu với mức lãi suất là 15%/ năm. Mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là 8%/ năm.

   Chi phí lãi vay không được tính vào chi phí được trừ là:

                 200 x ( 15% – 150% x 8% ) = 6 triệu đồng

    Chi phí lãi vạy được tính vào chi phí được trừ:

                 200 x 15% – 6 = 24 triệu đồng

b) Khấu trừ thuế thu nhập cá nhân    

   Khi doanh nghiệp vay vốn của cá nhân, doanh nghiệp phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Khoản 3, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:

“Thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức:

  a) Tiền lãi nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh vay theo hợp đồng vay hoặc thỏa thuận vay, trừ lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng dẫn tại tiết g.1, điểm g, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.”

   Doanh nghiệp khi chi trả chi phí lãi vay cho cá nhân phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức thuế suất là 5% trên thu nhập được chi trả.

  Ví dụ: Doanh nghiệp trả cho cá nhân tiền lãi vay là 30 triệu đồng. Trước khi trả chi phí lãi vay cho cá nhân, doanh nghiệp phải khấu trừ thuế TNCN là:

             30 x 5% = 1,5 triệu đồng.

Số tiền doanh nghiệp còn phải trả cho cá nhân:

             30 – 1,5 = 28,5 triệu đồng.

Tags
vay vốn
Thong ke